Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
413753

CHÚNG TA ĐÃ TRƯỞNG THÀNH NHƯ THẾ NÀO?

Đăng lúc: 08:59:43 17/10/2017 (GMT+7)

Bài phát biểu nhân ngày họp lớp: Kỉ niệm 20 năm ra trường của lớp A, khóa 1991-1994 ( tổ chức ngày 21/6/2014)

Kính thưa thầy cô & các vị khách quí!
Thưa toàn thể các bạn!
 
Chương 1: Thầy cô đã cho chúng ta?
   Thưa thầy cô! Trong 3 năm THPT chúng em đã được sự dạy dỗ trực tiếp của 17 thầy cô. Hai mươi năm sau những bài học của thầy cô vẫn như mới nguyên, trọn vẹn đong đầy một  nhiệt huyết. Chúng em vẫn nhớ lắm: thầy Phạm Văn Ninh với tư duy toán học mạch lạc, sáng rõ; hình ảnh cô Lê Thị Truyển thật dung dị; cô Lê Thị Khởi nhiệt tình hăng say với giọng giảng có khi vang khắp một dãy nhà. Chúng em đã học những giá trị làm người từ những tiết giảng văn của thầy Lê Đức Đồng, thầy Nguyễn Văn Hải; những tiết giảng sử của cô Vũ Thị Thanh Vân bao giờ cũng đầy lực hấp dẫn; rồi cô Lê Thị Phàn với những giờ đia lí vô cùng giản dị; những kiến thức của cô Trần Thị Bích Khuyên đã góp phần giúp Bộ GD & ĐT 15 năm nay có thêm 04 giáo viên ngoại ngữ…Hôm nay thầy cô không có mặt đầy đủ song tận sâu đáy lòng chúng em luôn nhớ thầy cô - những người chèo đò thầm lặng đầy vị tha.
   Có một điều thú vị ở lớp chúng em là có tới 04 phụ huynh đồng thời là giáo viên đứng lớp : thầy Hồ Sĩ Dương bố của bạn Hồ Sĩ Hùng; thầy Lê Đức Đồng bố của bạn Lê Hương Giang; cô Trần Thị  Bích Khuyên mẹ của Diệu Thủy và cô Lê Thị Phương, chị của bạn Lê Thị Nguyệt. Có phải vì thế mà lớp chúng em cậy thần cậy thế, tuy học tập không thật xuất sắc nhưng quậy phá thì thật tưng bừng. Ba năm với 4 thầy cô chủ nhiệm; lớp mà thầy hiệu trưởng Lê Đình Toản phải tham gia sinh hoạt để chỉnh đốn vì những vụ xì-căng-đan; cũng là chúng em với những hành động tự phát nông nổi dám đệ đơn xin thay đổi giáo viên bộ môn với tất cả chữ kí của các thành viên trong lớp, để sau đấy bị thầy chủ nhiệm Đỗ Tú  kết tội là “Các anh chị đã mặc áo qúa đầu”(…)
   Thưa thầy cô! Mỗi thế hệ học trò đi qua là biết bao hao tâm tổn sức, là biết bao phiền trách đem tới cho thầy cô; lớp chúng em cũng không  ngoại lệ, có khi còn tưng bừng hơn. Nói lời xin lỗi, nói lời cám ơn, tri ân với thầy cô sẽ không  bao giờ là đủ, nhưng không thể không  bày tỏ: Cám ơn,cám ơn thầy cô đã góp phần khai sáng thế giới hồn nhiên, trong sáng có phần bản năng của chúng em. Những hạt giống sẽ ngủ quên nếu thiếu một chế độ chăm sóc, chúng em biết đối với những đứa trẻ cũng vậy.
 
Chương 2: Kí ức học trò
   Kính thưa thầy cô & các vị khách quí!
   Thưa toàn thể các bạn!
   Là những đứa học trò cấp 3 vào thời điểm những năm 1991-1994: không  phải là thời kì học con chữ dưới những căn hầm chữ A, trang sách lấm mùi khói súng như thế hệ ông bà cha mẹ ta. Cũng không  phải thế hệ học trò của Thế kỉ XXI như con cái chúng ta hôm nay. Chúng ta đã có những năm tháng học trò bên nhau học ít chơi nhiều, ngô nghê  không có sách tham khảo, không  có những lò luyện, cũng không kết nối Internet toàn cầu; lời thầy cô trong những buổi học thêm như những cơn gió mát lành thoảng qua…
   Vâng! Trong muôn nẻo vào đời chúng ta đã lớn lên bằng những kí ức học trò, với 34 gương mặt nổi bật: 1 tình yêu sét đánh đúc mãi không  thành khối, đi chơi Noen ngồi xe anh nào cho phải phép? Có nhiều ,thật nhiều những thổn thức nhẹ, khẽ và đáng yêu, thiêng liêng vô cùng của ngày ấy, chẳng thể nói ra, chỉ có thể tự cảm nhận một cách mơ hồ, bẽn lẽn ( Để 20  năm sau sự nối tiếc còn hiện lên trên những nét mặt)
   Và tôi cũng muốn nhắc về kỉ niệm bài kiểm tra môn Sử của Nguyễn Khánh Toàn khiến cô V.T.T.V bị hiệu trưởng  khép vào tội : Đã không dạy học sinh có được những quan điểm c.trị đúng đắn (…). Nhớ nhất là những tiết sinh hoạt  lớp với sự tham dự của thầy hiệu trưởng, Trẫm ngày đó đã phán rằng: “Ban cán sự có vấn đề cần phải  phế truất”, tuy nhiên tất cả thần dân trong lớp đồng lõa nên đã không có thay đổi nhân sự nào xảy ra. Rồi chuyện cả 10 đứa trốn học đi làng Mom- Hải Châu hái dưa trên chiếc thuyền nhỏ gần nhà bạn Tô Hạnh, khi về nước mênh mang chẳng biết đâu là bờ, thay nhau đứa chèo, đứa tát nước trong thuyền ra, lại thêm chục quả dưa đỏ nhất định không chịu vứt… (thế mà mãi mấy năm sau đến nhà bạn Trung vẫn thấy chiếc mũ cối đầy kỉ niệm ấy -  dùng để tát nước ngự trên đình tủ). Đến giờ, nhắc lại vụ 10 đứa bị thầy chủ nhiệm Phạm Văn Ninh xếp hạnh kiểm loại khá vẫn còn đau!
   Cả chuyện mấy bạn nữ có tên chuyển sang lớp khối C, nhưng đã chống quyết định vì đã trót phải lòng các anh lớp A, vì thế mới có chuyện học khối A mà  khi thi ĐH lại đa dạng sắc màu: người khối A, người khối D, người lại khối C ( mà với học trò hôm nay thì đây thực sự là chuyện lạ có thật)…
   Thời gian thoi đưa, tất cả như mới xảy ra ngày hôm qua, biết bao giờ trở lại đến ngày xưa…
 
   Chương 3: Ta đã lớn khôn
   Sái cổ nhìn lại sau 20 năm, chúng ta có quyền tự hào về chính mình, tự tin với cuộc sống  này sau những nỗ lực không mệt mỏi của từng cá nhân, đã có những tấm bằng, những chức danh danh giá như PGS-TS Chúc Anh Tú, hiện là giảng viên Học viện Tài chính – kế toán; bạn Nguyễn Thị Quyết hiện đang làm luận án tiến sĩ – phó  trưởng khoa Ngoại ngữ - ĐH Hồng Đức với 2 lần xuất ngoại; rồi Lê Thành Trung, Hồ Sĩ Hùng, Lường Thanh Nhật đang có một sự nghiệp phát triển ở Sài thành; bạn Đoàn Xuân Sơn - đã là Trưởng ban tuyên huấn tỉnh đội Bà Rịa- Vũng Tàu; còn nữa những thạc sĩ, cử nhân đầy năng lực trên nhiều ngành nghề, cương vị công tác; trong đó có tới 8 sĩ quan QĐND Việt Nam,11 giáo viên các cấp, 01 cán bộ Công an nhân dân, rồi những luật sư, kĩ sư, đặc biệt có 01 kiến trúc sư mà các bạn trong lớp được nhờ cậy rất nhiều: đã thiết kế không gian sống cho gia đình bạn Thủy, gia đình bạn  Giang, gia đình bạn Thanh, bây giờ là gia đìnhbạn Quyết( mà không hề yêu cầu thù lao) & tòa nhà mà chúng ta đang ngồi đây cũng là sản phẩm trí tuệ của bạn í.
    ( Chắc chắn vào lúc này tôi đang thiếu hụt  thông tin về nhiều bạn, rất mong được sự lượng thứ; nhưng một  phần cũng vì khiêm tốn nên mục kê khai tài sản trong danh sách lớp nhiều bạn còn bỏ trống )
   Chúng ta vui & tự hào khi nhìn thấy sự thành đạt của bạn bè mình sau 20 năm, đồng thời cũng là dịp để mỗi người xốc lại tinhcthần của bản thân rằng hãy nỗ lực hơn nữa trong một xã hội phát triển “Tôi không phải là số1 nhưng tôi là duy nhất”
 
  Chương 4: Bến đỗ bình yên
    KÍnh thưa thầy cô & các vị khách quí
    Thưa toàn thể các bạn!
  Người đời thường nói: Chúc thành đạt & hạnh phúc, 2 khái niệm này luôn song hành nhau trong cuộc sống; theo tôi nghĩ thành đạt chưa chắc đã hạnh phúc, còn nếu có hạnh phúc chắc chắn bạn đã & sẽ thành đạt. Và gia đình chính là 1 trong những giá trị sống quan trọng của hạnh phúc. Vì nó mà ta phải nỗ lực vun trồng không  ngưng nghỉ.Gia đình là bến đỗ bình yên,là chỗ dựa tinh thần vững chắc trước những khó khăn, sóng gió, cám dỗ của cuộc sống; là động lực để ta vươn mình về phía trước; vì nó mà ta phải tự biết cách cân bằng trong cuộc sống này.
   Cuộc gặp mặt hôm nay sau 20 năm, các thành viên lớp chúng ta không chỉ là những công chức viên chức, quân nhân đảm nhiệm 1 vị trí nhất định trong XH, mà còn là những người chồng  người vợ đảm đang thấu hiểu,là những ông bố bà mẹ của đàn con ( nhà nào cũng 1-2 đứa)
   Hôm nay chúng ta vô cùng cám ơn sự hiện diện của các phu nhân lớp, những người tay hòm chìa khóa giữ lửa trong mỗi nếp nhà
   Các phu quân của lớp cũng khá đáng nể, người là vụ phó học viện, người là trưởng phòng đào tạo một trường ĐH, người phó bí thư huyện ủy, người là kĩ sư dầu khí (lương tháng tính hàng ngàn đô)…
  Và khi nói đến gia đình ta không thể không kể đến tài sản vô giá, đó chính là con cái của chúng ta. Mặc dù chưa thể cập nhật thông tin 1 cách đầy đủ về thế hệ tương lai của các gia đình lớp A, song nhìn chung các cháu đều ngoan học giỏi; những cháu ở thành phố thì được cha mẹ tạo mọi điều kiện để được học tập trong những môi trường  giáo dục chất lượng cao; còn các cháu ở nông thôn cũng không  chịu thua kém với những bảng thành tích đáng nể.Phải kể đến những gương mặt nổi bật như cháu Vũ Trường Giang ( con bạn Nguyệt) năm 2013 đạt giải 3 toàn quốc môn tiếng Anh trên mạng; 2014 đạt giải nhất tiếng Anh tỉnh Bà Ria- Vũng Tàu.Tôi còn biết con bạn Diệu Thủy, con bạn Điệp thi HSG lớp 4 của huyện với môn toán đạt tuyệt đối 30/30 điểm. Hậu sinh khả úy, thế hệ con cái của của chúng ta chắc chắn sẽ bay cao bay xa hơn cha mẹ chúng.
   Kính thưa thầy cô & các vị khách quí!
   Thưa các bạn!
 Trong sự eo hẹp về thời lượng làm sao có thể tỏ hết nỗi niềm, chỉ biết rằng hôm nay hiện diện ở đây tay bắt mặt mừng, hàn huyên tếu táo ôn lại những kỉ niệm về thầy cô, về bạn bè thực sự là một hạnh phúc. Có thể gọi lớp A là 1 ngôi nhà hạnh phúc liệu có đúng?
   Cuộc gặp sau 20 năm là quan trọng chứ không phải là tất cả, chúng ta sẽ còn nhiều dịp như thế này trong cuộc đời đúng không các bạn, đó là cách chúng ta hướng về & làm mới vùng bình yên của một thuở & mãi mãi.
                                                                                    Xin trân trọng cám ơn! 
Bài phát biểu của cô Phạm Thị Thanh, cựu học sinh khóa 91-94, hiện là giáo viên Ngữ văn nhà trường 

Lịch công tác