Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
413753

Tuyển sinh năm 2022: Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh và cơ sở đào tạo

Đăng lúc: 07:21:44 01/04/2022 (GMT+7)

Chiều 16/3, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tuyển sinh năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ GDĐT.

Giữ ổn định như năm 2021
Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết: Công tác tuyển sinh năm 2021 đã từng bước bổ sung hoàn thiện quy chế, quy trình tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường, cho thí sinh, đảm bảo quyền lợi của các bên; áp dụng công nghệ thông tin triệt để trong tất cả các khâu tuyển sinh; giảm tối đa số thí sinh ảo… Đảm bảo quyền tự chủ của các trường; minh bạch thông tin, kết quả tuyển sinh.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ GDĐT
Năm 2021 đã có 47% thí sinh đăng kí xét tuyển trực tuyến. Kết quả tuyển sinh chính quy trong toàn hệ thống đạt cao nhất từ trước đến nay (hơn 530.000 đạt 92,65%; năm 2020 đạt 83,86%). Điểm trúng tuyển của khối sư phạm tăng; tỷ lệ thí sinh trúng tuyển tăng; mặt bằng điểm trúng tuyển của các ngành sức khoẻ đồng đều hơn so với các năm trước. Phần mềm tuyển sinh và hỗ trợ tuyển sinh đáp ứng yêu cầu của quy chế, hệ thống ổn định.
Tổng kết quả nhập học nhìn chung của các ngành tăng hơn năm 2020. Số thí sinh nhập học trình độ đại học nhóm ngành đào tạo giáo viên tăng. Phân bổ chỉ tiêu đào tạo liên thông chính quy, đào tạo đối tượng người có bằng đại học chính quy ổn định so với năm 2020.
Về định hướng tuyển sinh năm 2022, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho hay: Công tác tuyển sinh năm 2022 giữ ổn định như năm 2021, chỉ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và các cơ sở đào tạo. Qua đó, đảm bảo khách quan, công bằng giữa các thí sinh, công bằng giữa các cơ sở đào tạo và tạo sự đồng thuận trong xã hội. 
Một số nội dung dự kiến điều chỉnh so với 2021 gồm: Việc đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học phải thực hiện trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1: Tất cả các nguyện vọng xét tuyển (theo các ngành, các phương thức, cơ sở đào) được đăng kí xét tuyển trực tuyến sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các nguyện vọng được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh vào các cơ sở đào tạo được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.
Đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn này, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh. Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi).
Cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.
Cơ sở đào tạo phân tích rủi ro trong quá trình tuyển sinh và có phương án giải quyết, phối hợp giải quyết giữa các cơ sở đào tạo trong quá trình tuyển sinh.
Cần sớm ban hành Quy chế tuyển sinh 2022
Trao đổi tại Hội nghị, đại diện các cơ sở giáo dục đại học tán thành với chủ trương của Bộ GDĐT trong công tác tuyển sinh; trong đó có một số dự kiến điều chỉnh trong năm 2022.
Đại diện các trường đại học thảo luận trực tuyến
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nêu ý kiến: Việc giữ ổn định  công tác tuyển sinh như năm 2021 là cần thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và các trường đại học. Đồng thời, nhất trí với 6 nội dung dự kiến điều chỉnh trong năm 2022; trong đó có việc dự kiến cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành; đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.
PGS.TS Bùi Đức Triệu đề nghị, Bộ GDĐT sớm ban hành Quy chế tuyển sinh 2022, bởi dù chủ trương là ổn định nhưng những điều chỉnh mang tính kỹ thuật (nếu có) cũng tác động lớn đến các thí sinh. Hiện, các trường đại học đã quen với tự chủ tuyển sinh, nhất là trong 2 năm vừa, các trường đã hoàn thiện phần mềm xét tuyển, đăng ký nhập học tạo thuận lợi cho thí sinh.
Nhất trí với dự thảo về một số định hướng trong công tác tuyển sinh 2022, GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam bày tỏ, hiện một số ngành khối nông - lâm - ngư nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh dù nhiều doanh nghiệp cam kết giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông hỗ trợ đào tạo kỹ sư ngành các ngành này, tuy nhiên việc tuyển sinh rất khó khăn. “Mong Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông đẩy mạnh công tác truyền thông mạnh đối với một số ngành truyền thống của khối nông - lâm - ngư - nghiệp”, GS.TS Phạm Văn Cường nêu ý kiến.
Đề nghị sớm có quyết định giao chỉ tiêu cho ngành sư phạm, bởi còn liên quan đến các địa phương “đặt hàng” cho các trường đào tạo, TS Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc Đại học Huế nhất trí với chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh. Đồng thời, cần tiếp tục tăng quyền sử dụng công nghệ thông tin, bảo đảm phù hợp với các cơ sở đào tạo. Mặt khác, cần đề cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị.
GS.TS Nguyễn Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh cũng đồng ý với quan điểm của Bộ trong tuyển sinh. Trong đó có việc ứng dụng cổng thông tin trong việc đăng ký xét tuyển, phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; tạo tuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học trong quá trình xét tuyển.
Bảo đảm công bằng cho các thí sinh giữa các phương thức xét tuyển
Trước kiến nghị, đề xuất của các trường đại học, đại diện Bộ GDĐT đã có những trao đổi, làm rõ. Riêng về triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin, Cục trưởng Cục CNTT Nguyễn Sơn Hải cho biết: Bộ GDĐT sẽ tiếp tục triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin vào đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và các cơ sở đào tạo.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu kết luận Hội nghị
Hiện nay, cơ sở dữ liệu của Bộ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng bộ mã định danh, căn cước của giáo viên và tới đây sẽ là học sinh. Khi làm được điều này sẽ thuận lợi cho các dịch vụ trực tuyến; trong đó có việc đăng ký thi, xét tuyển đại học của thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học trong công tác tuyển sinh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các cơ sở giáo dục đại học, các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyển sinh.
Nhắc lại năm 2016 công tác tuyển sinh đã có bước chuyển lớn khi thực hiện hướng dẫn thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển thông qua phần mềm, Thứ trưởng cho rằng: Điều này cho thấy sự thay đổi lớn về ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyển sinh và tạo được hiệu ứng tích cực. Năm nay, Bộ GDĐT chủ trương sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu đăng ký thi tốt nghiệp THPT và đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào cao đẳng sư phạm mầm non và đại học.
“Đổi mới bao giờ cũng gắn với kế thừa và phát triển. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin không những giúp thí sinh đăng ký dễ dàng, mà các em gửi các minh chứng cũng được thuận lợi hơn. Mặt khác, việc này sẽ giúp các trường giảm được thí sinh ảo. Với các trường THPT, Sở GDĐT cũng giảm bớt các công việc liên quan đến hành chính”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, việc cung cấp dữ liệu đã có của ngành, kết hợp với với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học nhằm thuận lợi cho thí sinh và các trường, đồng thời giảm thiểu những sai sót và tăng độ tin cậy trong quá trình xét tuyển.
Ghi nhận việc năm nay các cơ sở giáo dục đại học sử dụng đa dạng phương thức xét tuyển, Thứ trưởng cho rằng, đó cũng là ưu điểm của tự chủ đại học. Tuy nhiên, các trường cũng phải tăng trách nhiệm giải trình với người học và xã hội. Đồng thời phải bảo đảm công bằng cho các thí sinh giữa các phương thức khác nhau.
Nhìn nhận công tác tuyển sinh năm 2022 có thể phải lường trước một số khó khăn do dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Thứ trưởng đề nghị các Sở GDĐT tham gia tích cực vào công tác này; trong đó có việc rà soát danh mục mã trường THPT, khu vực ưu tiên. Đồng thời, chỉ đạo các trường THPT cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.
-ST-

Lịch công tác